LỜI GIỚI THIỆU TẬP 13
Tập 13 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, bao gồm những tác phẩm, bài viết, bài nói, thư, điện... (gọi chung là tác phẩm) của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian từ tháng 1-1961 đến tháng 12-1962.
Những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tập 13 thể hiện rõ tư tưởng của Người về thực hiện đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam; các vấn đề quốc tế đương đại và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.
Các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1961 - 1962 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Những bài phát biểu của Người tại cuộc chỉnh huấn mùa Xuân năm 1961, Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội nghị tổng kết phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục… đã thể hiện rõ những quan điểm về xóa bỏ những tàn dư tư tưởng lạc hậu và hủ tục của xã hội cũ, xây dựng tư tưởng mới, nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc.
Vấn đề xuyên suốt tập 13 là những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng - yếu tố tiên quyết bảo đảm cho cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi. Người chỉ rõ, công tác xây dựng Đảng phải nhằm làm cho Đảng thống nhất về ý chí và hành động, có đường lối đúng, có tư tưởng cách mạng triệt để, có tổ chức vững mạnh và đội ngũ đảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, giỏi về chuyên môn, gắn bó chặt chẽ với quần chúng và hoàn thành tốt vai trò tiền phong, gương mẫu của mình. Trong xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý tới công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, nhất là phải nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của chi bộ vì chi bộ là nơi trực tiếp biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực.
Chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các thế hệ nhằm thường xuyên bổ sung cho Đảng những cán bộ trẻ, nhiệt tình, hăng hái, giàu tri thức - làm cho Đảng luôn luôn được đổi mới, có đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành những nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền.
Đi liền với công tác xây dựng Đảng là những quan điểm và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hành dân chủ. Theo Người, Đảng và nhân dân ta phấn đấu hy sinh làm cách mạng là để xây dựng ở nước ta một chế độ dân chủ.
Nội dung của tập 13 phản ánh những quan điểm của Chủ tịch
Hồ Chí Minh về đường lối, phương hướng, bước đi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Những quan điểm này chỉ đạo cách mạng miền Nam tạo ra sức mạnh tổng hợp, giữ vững thế tiến công, mở rộng phong trào cách mạng, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, tiến tới giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước.
Các tác phẩm trong tập này thể hiện tư tưởng và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tăng cường đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, tiến tới hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược. Các tác phẩm của Người trong thời gian 1961 - 1962 đã lên án chính sách xâm lược và gây chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, ủng hộ các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới đang diễn ra mạnh mẽ.
Tập 13, Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản lần thứ ba, bao gồm 203 tác phẩm, trong đó có 153 tác phẩm đã được công bố trong tập 10, Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản lần thứ hai và bổ sung 50 bài mới sưu tầm được. Phần Phụ lục, ngoài chú thích và bản chỉ dẫn tên người, có 6 tác phẩm và Danh mục các lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký trong thời gian 1961 - 1962.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song lần xuất bản này không tránh khỏi thiếu sót, mong bạn đọc góp ý để lần xuất bản sau được tốt hơn.
|
HỘI ĐỒNG XUẤT BẢN
HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP LẦN THỨ BA
|